Ngày 02/5/2024 vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đề xuất in mã QR trên trang 1 của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo dự thảo Thông tư quy định về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và hồ sơ địa chính được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố mới đây, thay vì sử dụng mã vạch như hiện tại thì từ 01/01/2025, Giấy chứng nhận sẽ được in một mã QR ngay trang 1 giúp người dân có thể dễ dàng kiểm tra được sổ đỏ thật giả qua mã QR.

Cụ thể, theo Điều 17 của Dự thảo quy định: “Mã QR của Giấy chứng nhận do cơ quan cấp Giấy chứng nhận in, để các đối tượng có liên quan tra cứu thông tin được in trên Giấy chứng nhận và thông tin phản hồi là như nhau, nhằm chống làm giả Giấy chứng nhận.”

Như vậy, nếu dự thảo được thông qua, thay vì phải qua Văn phòng đăng ký đất đai để kiểm tra, thì tới đây, người dân có thể trực tiếp tận dụng mã QR trên Giấy chứng nhận để quét xác thực tính pháp lý của sổ đỏ.

Theo đó, khi thay mẫu sổ mới, Cục Đăng ký và Dữ liệu thông tin đất đai cũng sẽ xây dựng các quy định về yếu tố chống làm giả (đặc điểm bảo an) trên phôi Giấy chứng nhận.

Trước kia, trên sổ đỏ, sổ hồng chỉ có 1 mã vạch truyền thống, trên đó chứa tối đa 20 ký tự, được thể hiện bằng 1 dãy các vạch xếp liền nhau. Việc thay thế các mã vạch bằng mã QR giúp việc tra cứu thông tin được thuận tiện hơn bởi đối với QR code, người dân có thể trực tiếp sử dụng điện thoại cảm ứng để kiểm tra.

Điều này dễ dàng hơn so với kiểm tra thông qua mã vạch, nâng cao tính bảo mật và an toàn, giúp giảm bớt chi phí và công sức, thời gian đi lại của người dân. Đồng thời, vào thời kỳ phát triển chung trong quá trình chuyển đổi số như hiện nay, việc áp dụng mã QR trên Giấy chứng nhận giúp đồng bộ hóa các thủ tục hành chính trong thời gian sắp tới.

Thực tế, hiện tại người dân cũng có thể kiểm tra sổ đỏ thật – giả thông qua:

1. Kiểm tra mã vạch trên Sổ đỏ

Theo Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, người mua có thể kiểm tra thông tin Giấy chứng nhận thật giả thông qua mã vạch được in tại trang 4. Theo đó, mục đích của mã vạch là dùng để quản lý, tra cứu về Giấy chứng nhận và hồ sơ Giấy chứng nhận.

Cách đọc mã vạch trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Ảnh minh họa)
Cách đọc mã vạch trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Ảnh minh họa)

Cụ thể, theo khoản 2 Điều 15 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, mã vạch Giấy chứng nhận thường có cấu trúc dưới dạng MV = MX.MN.ST. Trong đó:

MX là mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có đất. Nếu Giấy chứng nhận được UBND cấp tỉnh cấp thì sẽ ghi thêm mã của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương vào trước mã đơn vị hành chính cấp xã nơi có đất.

MN là mã năm cấp Giấy chứng nhận, gồm 02 chữ số sau cùng của năm ký cấp Sổ. Ví dụ: 24 nghĩa là Giấy chứng nhận được cấp năm 2024.

ST là số thứ tự lưu trữ hồ sơ đăng ký đất đai tương ứng với Giấy chứng nhận được cấp lần đầu theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Kiểm tra các chi tiết trên sổ

– Họa tiết, hoa văn

Thông thường, chi tiết trên Sổ đỏ giả thường không sắc nét, không có các tổ hợp chấm mực hồng mà là những nét mực liền mạch do chỉ được in màu kỹ thuật số. Thậm chí, trên cùng một chi tiết in còn có nhiều hạt mực được in đậm, nhạt khác nhau.

Còn Sổ thật được in bằng phương pháp in offset nên màu sắc và các chi tiết đều rất sắc nét, màu mực được in đồng đều và sẽ có các tổ hợp chấm mực như hình dưới đây:

– Kiểm tra dấu trên Giấy chứng nhận

Người mua có thể dùng kính lúp, đèn pin để kiểm tra các chi tiết trên sổ đỏ. Theo đó, với sổ đỏ thật khi chiếu đèn pin vào dấu của Giấy chứng nhận có thể thấy Quốc huy Việt Nam được in nổi, nội dung rõ ràng, mã số hiệu được đóng vào chính giữa dấu nổi.

Còn sổ đỏ giả thì hình dấu Quốc huy thường sẽ lõm/không rõ nội dung, mã số hiệu có thể in lệch so với phần dấu.

– Kiểm tra các thông tin có bị tẩy xóa hay không

Thông thường, các vị trí hay bị tẩy xóa bao gồm: số Giấy chứng nhận, loại đất, số vào Sổ quản lý hồ sơ, thời hạn, diện tích, sơ đồ…

Do vậy, người mua nên kiểm tra thật kĩ các kí tự để xem xem sổ đỏ đó là sổ thật hay giả.

3. Trực tiếp kiểm tra tại Văn phòng đăng kí đất đai

Nếu như 02 cách trên dễ dàng hơn cho người mua thì việc đến trực tiếp kiểm tra tại Văn phòng đăng ký đất đai lại có ưu điểm là có độ chính xác và an toàn tuyệt đối.

Theo đó, nếu chỉ xét thông qua hoa văn, họa tiết hay mã vạch trên Sổ thì hiện nay, các đối tượng lừa đảo đã tinh vi hơn rất nhiều trong việc làm sổ đỏ giả có thể giống đến 99% sổ đỏ thật mà nếu chỉ nhìn bằng mắt thường thì sẽ không thể nào phân biệt được.

Do vậy, người dân nên tới trực tiếp Văn phòng đăng ký đất đai để kiểm tra thông tin Giấy chứng nhận. Theo đó, người dân hãy tải phiếu yêu cầu theo Mẫu số 01/PYC này và điền đầy đủ thông tin trên phiếu. Sau đó nộp phiếu thông qua một trong 03 hình thức:

– Nộp trực tiếp tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai/Văn phòng đăng ký đất đai.

– Gửi qua bưu điện.

– Nộp qua thư điện tử hoặc Cổng thông tin điện tử về đất đai.

Sau khi tiếp nhận phiếu yêu cầu, Văn phòng đăng ký đất sẽ quét mã vạch và kiểm tra được Giấy chứng nhận đó là thật hay giả.

Theo Lê Na

Đời sống Pháp luật

Contact Me on Zalo
Messenger
02972212121